Hiển thị các bài đăng có nhãn phap-luat. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn phap-luat. Hiển thị tất cả bài đăng

Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư



THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ CHUNG CƯ

Căn cứ Luật Nhà ở số 65/2014/QH13;
Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản,
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 4 năm 2016. Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:
a) Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư;
b) Thông tư số 05/2014/TT-BXD ngày 09 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 2 Điều 17 của Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà khác với các quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư này thì thực hiện theo quy định của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Công báo, Website của Chính phủ, Website của BXD;
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, Cục QLN (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG


Phạm Hồng Hà

Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BXD-2019 của Bộ Xây dựng: Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư

Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 4 năm 2016 được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Thông tư số 22/2016/TT-BXD ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh do Bộ Xây dựng ban hành hoặc liên tịch ban hành.

2. Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 10/2015/TT-BXD ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ Xây dựng quy định việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ Xây dựng quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản, việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và một số quy định của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

3. Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Căn cứ Luật Nhà ở số 65/2014/QH13;

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư[1].

Quy định pháp luật về phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm những gì?

Phí dịch vụ quản lý vận hành chung cư một trong những vấn đề được đông đảo cư dân quan tâm tại các tòa nhà chung cư. Vậy việc quy định phí dịch vụ quản lý vận hành được thực hiện như thế nào? Câu trả lời trong bài viết dưới đây:



Phí dịch vụ quản lý vận hành là gì?


Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của cư dân khi sinh sống tại các chung cư là phí dịch vụ quản lý vận hành. Phí này được tính như thế nào, được sử dụng vào mục đích gì? Phí quản lý vận hành nhà chung cư là khoản phí để phục vụ cho hoạt động quản lý, vận hành nhà chung cư. Kinh phí này do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng hàng tháng hoặc theo định kỳ (bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao căn hộ, diện tích khác trong nhà chung cư mà chưa sử dụng) để đơn vị quản lý vận hành thực hiện công việc vận hành các hạng mục tại nhà chung cư.


Phí dịch vụ quản lý vận hành được sử dụng vào các mục đích nào?


Điều 10 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về các công việc trong hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm:

a) Điều khiển, duy trì hoạt động, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thang máy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, dụng cụ chữa cháy, các thiết bị dự phòng và các thiết bị khác thuộc phần sở hữu chung, sử dụng chung của tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư;

b) Cung cấp các dịch vụ bảo vệ, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, diệt côn trùng và các dịch vụ khác bảo đảm cho nhà chung cư hoạt động bình thường;

c) Các công việc khác có liên quan.


Như vậy, phí quản lý vận hành được sử dụng vào các hoạt động nhà chung cư do vậy sẽ được hạch toán vào chi phí của đơn vụ quản lý vận hành.


Cách tính phí quản lý vận hành nhà chung cư


Theo quy định, mức phí quản lý vận hành không tính vào giá bán căn hộ mà được chủ sở hữu căn hộ đóng định kỳ hàng tháng, hàng quý tùy thuộc vào quy định của ban quản lý tòa nhà. Mức chi phí này khác nhau tùy thuộc vào hiện trạng tòa nhà cũng như mức độ cao cấp của dự án. Công thức tính phí quản lý vận hành như sau:


* Diện tích thông thủy căn hộ x giá dịch vụ quản lý (đối với căn hộ chung cư)

* Diện tích sàn sử dụng x giá dịch vụ quản lý (đối với khu nhà ở thấp tầng như biệt thự, liền kề, nhà phân lô…)


Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được xác định bằng tiền Việt Nam đồng và tính trên mỗi mét vuông (m2) diện tích sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư (xác định theo diện tích thông thủy). 


Đối với nhà chung cư đã được bàn giao sử dụng nhưng chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư thì giá dịch vụ quản lý sẽ do chủ đầu tư đưa ra và quy định trong hợp đồng mua bán, cho thuê căn hộ. Sau khi dự án đã tổ chức hội nghị nhà chung cư và bầu ra được ban quản trị thì mức phí này tùy thuộc vào thỏa thuận giữa BQT và đơn vị quản lý vận hành. Khung giá dịch vụ quản lý vận hành ở TP HCM được quy định Quyết định 11/2018/QĐ-UBND ban hành Khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.


Theo phân tích của Công ty cổ phần dịch vụ & địa ốc Đất Xanh Miền Bắc
Tầng 18, tòa nhà Center Building số 85 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội

Phân biệt giữa phí quản lý dịch vụ và phí bảo trì tại chung cư Luxcity Quận 7

Giải thích cho rõ về bản chất: sống ở chung cư ngoài việc tiền mua căn hộ thanh toán một lần thì cư dân sẽ trả chi phí để duy trì các hoạt động hàng ngày gồm:

(1) Phí quản lý dịch vụ hàng tháng, Luxcity đang đóng phí là 11.000đ/m2/tháng.


(2) Phí bảo trì lớn để duy tu bảo dưỡng tòa nhà theo đúng kỹ thuật từ nhà thi công tòa nhà chỉ dẫn nhằm đảm bảo tòa nhà an toàn, bền vững theo thời gian.


Về phí quản lý (1) thì đóng mỗi tháng nên ta dễ thấy sự tốn kém và phí này được dùng để chi trả những khoản mục theo ảnh dưới.

Còn về cái (2) thì nó "ma mị" và khó nhìn ra hơn. Tôi giải thích thế này cho dễ hiểu:


- Đầu tiên bộ Xây Dựng lo lắng chung cư không có tiền bảo trì hạ tầng nên bắt buộc khi mua căn hộ thì đóng ngay 2% giá mua, ví dụ mua chung cư 2,5 tỉ thì đóng ngay vào quỹ khoảng 50 triệu. Ở Luxcity tổng quỹ bảo trì là gần 18,5 tỉ đồng.


- Quỹ bảo trì được pháp luật quy định chi vào những việc lớn nhằm bảo trì tòa nhà và thường là theo chỉ dẫn của nhà thi công tòa nhà.


- Quỹ bảo trì được ban quản lý đại diện cư dân quản lý và chi tiêu theo kế hoạch được thông qua ở hội nghị nhà chung cư hàng năm.


Vì sự "ma mị" ấy, cư dân vô cảm, cộng với độ tinh quái của đội ngũ ban quản trị không muốn MINH BẠCH thì quỹ bảo trì sẽ được rút ruột một cách tinh vi. Trong đó có cách "rất ma mị" và vi dịu là dùng tiền từ quỹ bảo trì để chi cho những chi phí mà lẽ ra trong phí quản lý đã bao gồm, đó là một kẻ hở rút ruột quỹ bảo trì mà cư dân ít hay biết nên vẫn ca ngợi tài năng của ban quản trị. Thiếu cơ chế giám sát, để BQT "vừa đá bóng vừa thổi còi" thì rủi ro bị rút ruột quỹ bảo trì là dễ hiểu. Khi quỹ bảo trì 18,5 tỉ về 0 thì mọi chi phí phát sinh đến bảo trì cư dân sẽ chia đều đóng vào, lúc đó sẽ không là 11.000đ/m2/tháng mà sẽ là gấp đôi gấp ba. Theo phân tích của tôi thì Ban quản lý bản chất là đang làm thuê cho Ban quản trị, nên Ban quản trị thường đặt đâu thì Ban quản lý sẽ ngồi đó vì ông chủ luôn có quyền sa thải người làm thuê trong 1 nốt nhạc.


Tại sao BQT Luxcity lúc nào cũng nói về tính hy sinh vì dân cư, luôn minh bạch khi chứng từ có chi tiết lên đến 7,5kg nhưng thực tế thì không cho cư dân tiếp cận chứng từ để nhập liệu đối soát!? Cư dân nhiều lần yêu cầu được quyền tiếp cận chứng từ theo đúng pháp luật nhưng BQT nói thẳng "chỉ cung cấp chứng từ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền, còn cư dân là không", mâu thuẫn đến mức cư dân Luxcity đã gửi đơn tố cáo nhờ cơ quan pháp luật can thiệp!



Hỏi thật, bạn có đủ niềm tin về TÍNH CHÍNH TRỰC, SỰ MINH BẠCH của BQT nhiệm kỳ 2 của Luxcity?


Cao Trung Hiếu - cư dân Luxcity Quận 7
TP HCM ngày 28/05/2021

Người làm đơn tố cáo được khen thưởng trong trường hợp nào, các hình thức khen thưởng là gì?


Câu hỏi 53: Người tố cáo được khen thưởng trong trường hợp nào? Các hình thức khen thưởng?


Trả lời:


Nhà nước khuyến khích công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật, do vậy nhà nước có cơ chế động viên đối với người có thành tích trong việc tố cáo. Thể hiện được tính đặc thù của việc khen thưởng trong lĩnh vực tố cáo và giải quyết tố cáo, Luật tố cáo quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc giải quyết tố cáo, người tố cáo có công trong việc ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì được khen thưởng về vật chất, tinh thần. Việc khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tố cáo giải quyết tố cáo được thực hiện theo pháp luật về thi đua khen thưởng. Như vậy, không phải tất cả mọi người tố cáo đều được khen thưởng mà chỉ người tố cáo có công trong việc ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì được khen thưởng về vật chất và tinh thần. Điều 21 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP đã quy định về tiêu chuẩn khen thưởng như sau:


1- Huân chương Dũng cảm để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:


a) Không sợ hy sinh về tính mạng, lợi ích vật chất, tinh thần của mình và người thân đã đũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi tỉnh, thành phố, khu vực trở lên;


b) Hy sinh tính mạng của mình hoặc bị thương tích, bị tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên do tố cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.


2. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:


a) Đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả rất nghiêm trọng; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi khu vực hoặc của nhiều Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương trở lên;


b) Bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% do tố cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.


3. Bằng khen của cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:


a) Đã tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gâyhậu quả nghiêm trọng; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương trở lên;


b) Bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31% do tố cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.


4. Giấy khen để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật được các cơ quan, đơn vị cấp cơ sở trở lên công nhận; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vị đơn vị cấp cơ sở trở lên.


Câu hỏi 54: Mức thưởng và thủ tục khen thưởng đối với người tố cáo như thế nào?


Trả lời:


Nghị định số 76/2012/NĐ-CP quy định: sau khi kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định việc khen thưởng đối với người có thành tích trong việc tố cáo theo quy định. Người có thành tích trong việc tố cáo có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan giải quyết tố cáo xem xét, quyết định việc khen thưởng đối với mình. Trường hợp người có thành tích trong việc tố cáo đã chết thì gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, người đại diện hợp pháp của người tố cáo có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khen thưởng đối với người đó.


Việc khen thưởng đối với người có thành tích trong việc tố cáo được đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản. Người có thẩm quyền đề nghị khen thưởng ngay sau khi người tố cáo lập được thành tích xuất sắc, đột xuất.


Hồ sơ đề nghị khen thưởng: Tờ trình đề nghị của người giải quyết tố cáo; Báo cáo tóm tắt thành tích của người tố cáo hoặc cơ quan trình khen thưởng ghi rõ hành động, thành tích đề nghị khen thưởng; đề nghị khen thưởng của người tố cáo (nếu có).


Nghị định cũng quy định mức khen thưởng dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên đối với cá nhân có thành tích trong việc tố cáo hành vi tham nhũng thì được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. 



Xem thêm: HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TỐ CÁO, Đề án 1 -1133/QĐ-TTg của Thanh Tra Chính Phủ



Tham dự group Cư dân Luxcity Quận 7 www.facebook.com/groups/cudanluxcityquan7tphcm


Trình tự tiến hành xác minh nội dung tố cáo như thế nào?


Câu hỏi 30: Trình tự tiến hành xác minh nội dung tố cáo như thế nào?


Trả lời:


Theo quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 về quy trình giải quyết tố cáo thì trình tự tiến hành xác minh nội dung tố cáo được quy định như sau:


- Thông báo quyết định thành lập Tổ xác minh;


- Làm việc trực tiếp với người tố cáo, nếu cần thiết;


- Làm việc trực tiếp với người bị tố cáo;


- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo (nếu cần thiết);


- Thu thập, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo;


- Xác minh thực tế ở những địa điểm cần thiết;


- Trưng cầu giám định (nếu cần thiết);


- Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo.


Câu hỏi 31: Sau khi có kết quả xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải tiến hành xử lý như thế nào? 


Trả lời:


Luật tố cáo quy định: Căn cứ vào nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, các tài liệu, bằng chứng có liên quan, người giải quyết tố cáo phải kết luận bằng văn bản về nội dung tố cáo. Trường hợp người giải quyết tố cáo tự tiến hành xác minh nội dung tố cáo thì kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý theo thẩm quyền.


Kết luận nội dung tố cáo là văn bản quan trọng nhất của việc giải quyết tố cáo, phản ánh toàn bộ kết quả của việc giải quyết vụ việc tố cáo, là đánh giá của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với nội dung tố cáo, xác định việc tố cáo đó đúng, đúng một phần hay sai toàn bộ, xác định trách nhiệm của từng cá nhân, từ đó có các biện pháp xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Theo quy định tại Điều 25 Luật tố cáo, nội dung của kết luận nội dung tố cáo gồm: Kết quả xác minh nội dung tố cáo; kết luận việc tố cáo đúng, đúng một phần hoặc sai; xác định trách nhiệm của từng cá nhân về những nội dung tố cáo đúng hoặc đúng một phần; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị biện pháp xử lý với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (nếu có).


Câu hỏi 32: Kết luận nội dung tố cáo phải gửi cho ai? 


Trả lời:


Sau khi kết luận nội dung tố cáo được ban hành, người giải quyết tố cáo phải gửi kết luận cho người bị tố cáo, cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan cấp trên trực tiếp. Với nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình giải quyết tố cáo - người tố cáo phải được bảo vệ, các cơ quan tổ chức không được để lộ các thông tin có hại cho người tố cáo. Vì vậy, Luật tố cáo quy định việc gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo phải bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo và bảo vệ bí mật nhà nước; đồng thời người tố cáo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo kết quả giải quyết tố cáo. 


Đối với tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, sau khi kết luận nội dung tố cáo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải gửi kết luận cho người bị tố cáo, thanh tra huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện và gửi cho người tố cáo (nếu có yêu cầu).


Câu hỏi 33: Việc xử lý tố cáo được quy định như thế nào?


Trả lời:


Việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo là khâu cuối cùng và quan trọng trong quá trình xem xét, giải quyết tố cáo. Điều 25 Luật tố cáo quy định sau khi có kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo tiến hành xử lý như sau: 


- Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm các quy định pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo biết, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.


- Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm các quy định trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật


- Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.



Xem thêm: HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TỐ CÁO, Đề án 1 -1133/QĐ-TTg của Thanh Tra Chính Phủ



Tham dự group Cư dân Luxcity Quận 7 www.facebook.com/groups/cudanluxcityquan7tphcm


Khi nhận được đơn tố cáo cơ quan tổ chức nhà nước phải làm gì?


Câu hỏi 12: Khi nhận được đơn tố cáo, cơ quan, tổ chức phải làm gì?


Trả lời:


Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo mà công dân gửi đến. Theo quy định tại Điều 20 Luật tố cáo, cơ quan nhà nước có trách nhiệm phân loại và xử lý như sau: Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày. Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. 


Như vậy, đối với tố cáo bằng đơn thì cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình đều phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết (nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình). Tuy nhiên, nên lưu ý đối với tố cáo trực tiếp mà tố cáo đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì không chuyển cho người có thẩm quyền mà hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. 


Nếu xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo có trách nhiệm chuyển hồ sơ, tài liệu và những thông tin về vụ việc tố cáo đó cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật. Trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân thì cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan khác có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.


Câu hỏi 13: Thụ lý tố cáo trong trường hợp nào? 


Trả lời:


Điều 20 Luật tố cáo quy định khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày (15 ngày đối với trường hợp phải kiểm tra, xác minh nhiều địa điểm), kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo.


Ngoài ra, nhằm hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, không có cơ sở xem xét, giải quyết, Khoản 2 Điều 20 Luật tố cáo quy định các trường hợp không thụ lý giải quyết tố cáo:


- Tố cáo về vụ việc đã được người đó giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới; 


- Tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật; 


- Tố cáo về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không đủ điều kiện kiểm tra, xác minh về hành vi vi phạm, người vi phạm pháp luật.


Như vậy, nếu tố cáo thuộc thẩm quyền của mình và không nằm trong các trường hợp không đủ điều kiện thụ lý tố cáo thì người giải quyết tố cáo phải ban hành quyết định thụ lý giải quyết tố cáo (ban hành quyết định thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập Đoàn/tổ xác minh hoặc ban hành quyết định thụ lý giải quyết tố cáo và giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo).


Câu hỏi 15: Khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì người giải quyết tố cáo phải làm gì?

Trả lời:

Khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì người có thẩm quyền phải giải quyết tố cáo. Việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây:

- Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo: trong thời hạn 10 ngày (15 ngày nếu phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm), kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và người giải quyết tố cáo quyết định việc thụ lý tố cáo hoặc không thụ lý tố cáo. Nếu không thụ lý tố cáo thì phải thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý, nếu có yêu cầu.

- Xác minh nội dung tố cáo: người giải quyết tố cáo có thể tự tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo.

- Kết luận nội dung tố cáo: căn cứ vào nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo và các tài liệu, chứng cứ có liên quan, người giải quyết tố cáo phải kết luận nội dung tố cáo bằng văn bản.

- Xử lý tố cáo;

- Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân thì cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan khác có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Câu hỏi 18: Khi nhiều người cùng đến tố cáo trực tiếp về cùng một nội dung thì xử lý như thế nào? Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng tố cáo ở xã, phường, thị trấn?

Trả lời:

Khi nhiều người cùng đến tố cáo trực tiếp về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn họ viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ của những người tố cáo xác nhận vào văn bản. Người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo. Người đại diện phải là người tố cáo. Việc cử đại diện phải bằng văn bản.

Việc cử đại diện được thực hiện như sau:

- Trường hợp có từ 05 đến 10 người tố cáo thì cử 01 hoặc 02 người đại diện;

- Trường hợp có từ 10 người trở lên thì có thể cử thêm người đại diện nhưng tối đa không quá 05 người.
Trường hợp nhiều người cùng đến tố cáo trực tiếp về cùng một nội dung tập trung ở xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công cán bộ tiếp đại diện của những người tố cáo để nghe trình bày nội dung tố cáo; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định pháp luật. Trường hợp tố cáo phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp hoặc chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tiếp đại diện của những người tố cáo để nghe trình bày nội dung tố cáo; chỉ đạo công an cấp xã giữ gìn trật tự công cộng nơi người tố cáo tập trung.

Câu hỏi 27: Quy định về thời hạn giải quyết tố cáo như thế nào? 

Trả lời:

Điều 21 Luật tố cáo quy định: Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

Theo quy định trên, thời hạn 60 ngày, 90 ngày, 30 ngày ở đây được tính liên tục kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo, bao gồm cả ngày nghỉ và ngày lễ.



Xem thêm: HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TỐ CÁO, Đề án 1 -1133/QĐ-TTg của Thanh Tra Chính Phủ



Tham dự group Cư dân Luxcity Quận 7 www.facebook.com/groups/cudanluxcityquan7tphcm


Phân biệt giữa Tố cáo với Khiếu nại, Tố cáo với Tin báo, tố giác về tội phạm


Câu hỏi 4: So sánh giữa khiếu nại và tố cáo?


Trả lời:


Tố cáo là hành động nhằm bảo vệ và ngăn chặn khả năng vi phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Những việc làm trái pháp luật không phải chỉ của cán bộ, công chức nhà nước mà của cả các cơ quan, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Những hành vi trái pháp luật thường bị công dân phát hiện và báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật và  xử lý người vi phạm. 


Khiếu nại là hoạt động nhằm bảo vệ hoặc khôi phục các quyền hoặc lợi ích của chính chủ thể khiếu nại khi bị vi phạm, do đó nếu các quyền này bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại sẽ dẫn đến khiếu nại. Chính vì khiếu nại và tố cáo không giống nhau cho nên Pháp lệnh giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật khiếu nại, tố cáo trước đây và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo hiện hành đã quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo khác với thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản giữa tố cáo và khiếu nại là:


Về chủ thể: Chủ thể thực hiện quyền tố cáo theo quy định trong Luật tố cáo chỉ là công dân. Như vậy, khác với khiếu nại, chủ thể khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức đều có quyền khiếu nại. Việc thực hiện quyền tố cáo chỉ quy định cho đối tượng là cá nhân nhằm cá thể hóa trách nhiệm của người tố cáo, nếu có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.


Về đối tượng: đối tượng bị khiếu nại gồm quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, còn đối tượng của tố cáo rộng hơn, bao gồm mọi hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Bao gồm, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.


Về mục đích: về cơ bản, mục đích của tố cáo là bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, trong khi đó khiếu nại nhằm bảo vệ hoặc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của chính bản thân người tố cáo.


Câu hỏi 5. Phân biệt tố cáo với tin báo, tố giác về tội phạm


Trả lời:


Theo quy định của Luật tố cáo, chủ thể của tố cáo là đối tượng được xác định cụ thể, đó là cá nhân và khi tố cáo, họ phải chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp đối với hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng nhất định. Mặt khác khi công dân thực hiện quyền tố cáo đã phát sinh quan hệ pháp luật về tố cáo, trên cơ sở đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có nghĩa vụ giải quyết và trả lời cho người tố cáo biết. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tố giác về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm do cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng cung cấp cho cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết” Tin báo về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc do cơ quan, tổ chức cung cấp cho cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết”. Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với tin báo, tố giác về tội phạm, chủ thể có thể xác định hoặc không xác định, có thể là cá nhân, có thể là cơ quan, tổ chức. Đối tượng tố cáo là mọi hành vi vi phạm pháp luật, có thể là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc cũng có thể là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, còn tố giác và tin báo về tội phạm thì đối tượng chỉ bao gồm tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật có tính nguy hiểm cao và được quy định trong Bộ luật hình sự.


Như vậy:


- Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, được thực hiện theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự


- Đối với tố cáo thì có tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (không phải là hành vi tố tụng) thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật nói chung, bao gồm: vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được thực hiện theo quy định của pháp luật tố cáo; tố cáo đối với hành vi vi phạm điều lệ của các thành viên tổ chức thì được thực hiện theo quy định của Điều lệ của tổ chức đó.




Xem thêm: HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TỐ CÁO, Đề án 1 -1133/QĐ-TTg của Thanh Tra Chính Phủ



Tham dự group Cư dân Luxcity Quận 7 www.facebook.com/groups/cudanluxcityquan7tphcm


Quyền tố cáo của công dân được pháp luật ghi nhận như thế nào?


Câu hỏi 1. Quyền  tố cáo của công dân được pháp luật ghi nhận như thế nào?


Trả lời:


Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước ta ghi nhận qua các thời kỳ. Điều 74 Hiến pháp năm 1992 quy định “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào. Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.” 


Điều 30 của Hiến pháp năm 2013 có nêu: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”; “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.


Như vậy, quyền  tố cáo là một trong những quyền cơ bản, thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Theo đó, công dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Nhằm thể chế hóa quyền tố cáo của công dân, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII năm 2011, Quốc hội đã thông qua Luật tố cáo. Luật tố cáo đã quy định đầy đủ nhất về quyền tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, hình thức tố cáo, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và  trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, Luật tố cáo quy định về bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.


Ngoài Luật tố cáo có quy định cụ thể về quyền tố cáo của công dân, còn có các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về tố cáo như Bộ Luật tố tụng hình sự quy định quyền tố cáo trong tố tụng hình sự; Bộ Luật dân sự quy định quyền tố cáo trong tố tụng dân sự…


Câu hỏi 2. Tố cáo là gì? 


Trả lời: 


Điều 2, Luật tố cáo quy định:


"Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức".


Như vậy, xét về bản chất việc thực hiện quyền tố cáo thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân mà trong đó bên đi tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. 


Bản chất của tố cáo được xem xét dưới các khía cạnh sau đây:


Một là: chủ thể thực hiện quyền tố cáo chỉ là công dân. Khác với khiếu nại, là cả công dân, cơ quan, tổ chức đều có quyền khiếu nại. Quy định này nhằm cá thể hoá trách nhiệm của người tố cáo, nếu có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. 


Hai là: đối tượng tố cáo là các hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Luật tố cáo quy định có hai loại hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo gồm: (1) hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (2) hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.


Ba là: cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về nguyên tắc, người tố cáo có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan nhà nước. Trong trường hợp người tố cáo bằng đơn mà tố cáo đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhận được đơn thì cơ quan đó có trách nhiệm chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp mà tố cáo đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiếp nhận thì người tiếp nhận có trách nhiệm hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.


Bốn là: Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo bao gồm: (1) tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; (2) xác minh nội dung tố cáo; (3) kết luận nội dung tố cáo; (4) xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo và (5) công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.


Năm là: Bản chất của kết quả giải quyết tố cáo, nếu người bị tố cáo vi phạm pháp luật thì áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; nếu hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát của thẩm quyền để giải quyết tố cáo; trường hợp người bị tố cáo không vi phạm thì phải thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người tố cáo, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.


Câu hỏi 3: Ai có quyền tố cáo?


Trả lời:


Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo thì chỉ có công dân mới có quyền tố cáo. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Luật tố cáo cũng có ý kiến cho rằng ngoài chủ thể tố cáo là công dân thì cần mở rộng chủ thể tố cáo gồm cả cơ quan, tổ chức. Bởi lẽ với những cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân, hoàn toàn có thể tham gia một cách độc lập vào các quan hệ kinh tế - xã hội và có khả năng chịu sự tác động của các hành vi vi phạm pháp luật, do đó cần ghi nhận quyền tố cáo của cơ quan, tổ chức để nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và đây cũng là một biện pháp tích cực, chủ động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức.


Thực tiễn cho thấy, chủ thể thực hiện việc tố cáo là cơ quan, tổ chức là không nhiều. Nội dung tố cáo của nhóm chủ thể này thường thiên về phản ánh, kiến nghị. Việc thực hiện quyền tố cáo của một chủ thể sẽ làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân. Việc quy định công dân có quyền tố cáo là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp và chính sách hình sự của nước ta - cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Theo đó, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tố cáo của mình, nếu tố cáo sai sự thật thì phải bị xử lý về hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Vì vậy, nếu cơ quan, tổ chức có quyền tố cáo thì có thể làm phát sinh những vấn đề phức tạp trong việc quy định cách thức để các chủ thể này thực hiện quyền tố cáo như việc xác minh thông tin về người tố cáo, việc bảo vệ bí mật, xác định trách nhiệm của người tố cáo trong trường hợp tố cáo sai sự thật.


Như vậy, chỉ công dân, cá nhân mới có quyền tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.



Xem thêm: HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TỐ CÁO, Đề án 1 -1133/QĐ-TTg của Thanh Tra Chính Phủ



Tham dự group Cư dân Luxcity Quận 7 www.facebook.com/groups/cudanluxcityquan7tphcm