Khi ban quản trị 'vượt quyền' tại chung cư?

 

Được lập ra với mục đích bảo vệ quyền lợi và phục vụ nhu cầu chung của cư dân nhưng thực tế tại không ít chung cư, cách hành xử của Ban quản trị khiến người dân khốn đốn.
Chia sẻ tại hội thảo "Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?", anh Nguyễn Tấn Bảo, cư dân chung cư Masteri Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) trình bày một thực tế đang diễn ra tại chung cư mình sinh sống. Anh Bảo cho biết, Masteri Thảo Điền được định vị là một chung cư cao cấp tại quận 2 trước đây (TP. Thủ Đức hiện tại) tuy nhiên người dân sinh sống trong chung cư này đang phải chịu nhiều bất công rõ ràng từ phía sai phạm của Ban quản trị dự án này.

Cụ thể Ban quản trị chung cư này đã vi phạm quy chế hoạt động, quy chế thu chi tài chính được quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD nhưng đến nay vẫn không có cơ quan nào giải quyết. “Ban quản trị tòa nhà không công bố quy chế hoạt động, không công bố báo cáo thu chi tài chính hàng tháng, sử dụng quỹ quản lý vận hành do cư dân đóng góp sai mục đích và trong suốt 2 năm qua cũng không tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên. Đặc biệt, Ban quản trị còn tự ý ra quy định một cách hết sức ngang ngược, rằng những trao đổi, hoạt động giữa Ban quản trị và Ban quản lý là những thông tin mật, không được phép công khai, thảo luận.

"Những sai phạm rõ như ban ngày. Tuy nhiên, trong suốt gần 1 năm qua, cư dân chúng tôi phản ánh nhiều nơi nhưng không được xử lý”, ông Bảo bức xúc. Ông cho biết vào tháng 12/2020, đại diện cư dân đã gửi đơn tố cáo các hành vi vi phạm này đến Thanh tra Sở Xây dựng nhưng không nhận được trả lời. Tiếp tục gửi đơn cho UBND quận 2 thì hồ sơ được chuyển về UBND phường Thảo Điền và sau cùng câu trả lời mà cư dân nhận được từ UNBD phường là họ không đủ thẩm quyền để xử lý. Cư dân lại một lần nữa gửi đơn lên UBND TP.Thủ Đức và đến nay cũng chưa có phản hồi.

Anh Nguyễn Tấn Bảo, cư dân chung cư Masteri Thảo Điền trình bày những bức xúc về tình trạng quản lý tại chung cư mình sinh sống với các cơ quan báo chí và quản lý tại TP.HCM

Không chỉ riêng ông Bảo và cư dân Masteri Thảo Điền mới bị Ban quản trị “hành”, rất nhiều chung cư cao cấp đến bình dân đều không ít khổ khi bị Ban quản trị cho mình quyền tự làm trái luật. Bà Phạm Thị Phúc, cư dân chung cư Central Garden, quận 1, cho biết bà sinh sống 13 năm tại chung cư nhưng căn hộ chưa bao giờ được sửa chữa với lý do không có phí bảo trì.

Sống giữa trung tâm quận 1 nhưng nhà hôi thối, xập xệ, dột thấm khắp nơi. Ban quản trị lộng quyền và thiếu minh bạch về tài chính, thành lập gần 4 năm nay nhưng chưa bao giờ tổ chức hội nghị thường niên theo đúng quy định, chưa từng đối thoại với dân cư mặc dù liên tục được yêu cầu. Vô lý hơn nữa, họ đưa ra quy định người muốn tham dự phải đóng tiền ký quỹ trước cho ban quản trị. Trong cuộc họp, cư dân chỉ được ngồi nghe, nếu phát biểu trái ý Ban quản trị sẽ bị phạt tiền và trừ vào tiền ký quỹ.

Đáng nói, không họp dân cư nhưng trưởng Ban quản trị tự ý mang danh cá nhân ký các văn bản gửi cơ quan chức năng, ký các hợp đồng trái pháp luật, tự ý nâng giá bảo trì thang máy lên 40%, không thông qua Ban quản trị và cư dân, yêu cầu cư dân phải nộp hơn 1,2 triệu đồng nếu không thì tự leo bộ.... Phía chủ đầu tư thì thờ ơ khi cho biết họ bán nhà, còn hành lang, lối đi và khu vực chung là của chủ đầu tư nên họ tuỳ nghi sử dụng. Người dân thực tế chỉ được quyền sở hữu từ cửa đi vào căn hộ của mình, các khu vực khác đều của chủ đầu tư. Trong khi đó, chủ đầu tư chỉ đóng 0,0875% tất cả các khoản phí, còn lại người dân đóng hết nhưng mọi khoản phí thu được từ cho thuê bãi xe, tiền quảng cáo... phía chủ đầu tư đều tận thu.

Bi đát nhất là trường hợp bà Nguyễn Thị Châm, chủ sở hữu 3 căn hộ tại chung cư Phú Hoàng Anh (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM) vì có nhà mà không được về. Bà Châm cho biết, 3 căn hộ này là do con trai bà mua cho bà để dưỡng già đã được cấp sổ hồng đứng tên con trai bà nhưng Ban quản trị chung cư cho rằng do toàn bộ diện tích tầng 2 tại lô D nơi có căn hộ của bà sở hữu là diện tích của nhà sinh hoạt cộng đồng, thuộc sở hữu chung của cư dân. Việc chủ đầu tư xây dựng 6 căn hộ tại tầng 2, lô D đưa vào kinh doanh là bất hợp pháp. Chính vì vậy, Ban quản trị đã phối hợp với Ban quản lý và đội bảo vệ tạm thời không cho bất kỳ ai tiếp cận tầng 2, lô D.

Không chỉ các dự án bình dân, nhiều chung cư cao cấp cũng vướng lùm xùm về quản lý

“Họ không mở cửa cho tôi vào nhà, đổ keo vào ổ khóa nhà, khóa luôn hai đầu cầu thang bộ thoát hiểm, lột bỏ luôn nút ấn thang máy lên tầng 2 nhà tôi… Mục đích là để tôi không có đường nào để lên nhà do mình chủ sở hữu. 4 năm qua, tôi ôm sổ hồng, giấy tờ ủy quyền của con cho, một mình đi gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan tìm công lý. Họ sai rành rành mà vẫn cố chấp ức hiếp cư dân”, bà Châm bức xúc.

Việc bãi nhiệm Ban quản trị chung cư hiện nay cũng còn quá nhiều bất cập, gây khó khăn cho cư dân khi muốn hạ bệ “ông trời con” này. Dù biết là Ban quản trị có sai phạm, thiếu trách nhiệm và năng lực, nhưng muốn bãi nhiệm phải có đủ 50% chủ sở hữu căn hộ gửi đơn đề nghị tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường, lúc đó chính quyền địa phương mới có cơ sở thực hiện. Nếu không thì chính quyền khó có cơ sở để giải quyết theo nguyện vọng của cư dân. Tuy nhiên quy định này nhiều lúc là bất khả thi, khi mà thực tế phần lớn chung cư tại TP.HCM là để đầu tư và cho thuê, lượng cư dân trực tiếp sinh sống rất thấp. Ví dụ chung cư Masteri Thảo Điền, hiện có chưa đến 25% chủ sở hữu sinh sống tại đây, phần còn lại là khách thuê, rất khó để thu thập được theo yêu cầu trên.

Trước những bất cập hiện hữu, nhiều chuyên gia cho rằng nhiều cư dân đang khá hờ hững, thờ ơ với vấn đề bầu Ban quản trị, không nghiêm túc tham gia chọn Ban quản trị cũng không tham gia chọn công ty quản lý và đến khi có sự cố thì mới để tâm, lúc đó đã quá trễ. Cần có hướng dẫn để người dân có trách nhiệm với chính tài sản của mình, cũng như có trách nhiệm với cộng đồng mình ở. Đối với Ban quản trị cần có quy chế về thù lao rõ ràng để họ có thể xem đây là công việc chính thức chứ không phải một việc tham gia cho vui.

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét