Trong một tập thể, người ta hay nhắc đến sự đoàn kết và xem đó là yếu tố tạo nên sức mạnh. Tiếc rằng, khái niệm đoàn kết chẳng những thường được hiểu sai, mà còn bị lạm dụng, nên chẳng những không tạo được sức mạnh cho tập thể, mà ngược lại, đôi lúc còn làm cho nó suy yếu thêm.
Bớt 'đoàn kết', hãy cam kết! |
Trong môi trường doanh nghiệp và trong quan hệ đời thường, tôi coi sự cam kết còn quan trọng hơn cả sự đoàn kết. Tôi xem đoàn kết như một chiếc áo khoác đẹp, có thể có tác dụng khi ngắm nhìn từ bên ngoài, nhưng lại rất mỏng manh, dễ rách, không thể bảo vệ được cơ thể nhóm (team). Trái lại, cam kết như chiếc áo giáp thô cứng, mặc vào rất khó chịu (vì nó bó buộc, thắt chặt), nhưng lại rất bảo đảm, rất chắc chắn để bảo vệ cơ thể nhóm, bảo vệ tập thể khỏi nguy cơ tan rã.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam duy trì một văn hóa đoàn kết “mạnh” đến mức ai cũng vui vẻ, thân thiện, hòa đồng, không ai muốn mất lòng ai. Sự đoàn kết (trông có vẻ rất đẹp) này làm triệt tiêu tính phản biện, tranh luận trong tổ chức vì ai cũng sợ bị quy chụp là “gây mất đoàn kết, phản động”. Kể cả khi ai đó liên tục hứa mà không làm, đến thời hạn mà không hoàn thành nhiệm vụ, thì cũng không hề bị chỉ trích hay phê phán gì cả vì suy nghĩ đoàn kết là trên hết. Mọi người, dù trong bụng không hài lòng về cách làm việc của nhau, không ưa nhau, thậm chí ghét nhau, nhưng ngoài mặt vẫn xuề xòa, vui vẻ với nhau (vì cần phải “đoàn kết” với nhau). Các cuộc họp luôn trôi qua một cách bình lặng, yên ả, với tinh thần đồng thuận, đoàn kết, thân ái. Chỉ có công việc ngày càng trì trệ, và kết quả thì ngày càng tồi tệ...
Khi tôi tham gia vào doanh nghiệp Việt trong vai trò người quản lý, tôi luôn kêu gọi sự cam kết thay vì đoàn kết (vốn đã có thừa). Tôi thường khởi xướng những cuộc tranh luận sòng phẳng (mang tính xây dựng) về mục tiêu, kế hoạch công việc, thời hạn hoàn thành, tính cam kết chịu trách nhiệm, và khuyết khích phê phán (một cách có trách nhiệm) những hành vi hứa mà không làm, vi phạm thời hạn quy định vì nó làm ảnh hưởng đến người khác.
Lúc bấy giờ mọi người mới mạnh dạn cởi bỏ áo khoác đoàn kết mỹ miều nhưng mỏng manh, và bắt đầu mặc vào người chiếc áo giáp cam kết nặng nề, thô cứng. Cũng nhờ đó nên công việc “chạy rào rào”, kết quả được cải thiện rõ rệt và ai cũng thấy hưng phấn, vui vẻ (kể cả sau những cuộc tranh luận nảy lửa). Quan trọng hơn, khi ai đó phê phán một người nào đó về sự chậm trễ, hay tính thiếu cam kết trong công việc, họ không hề lo ngại mình sẽ bị “chụp” cho cái “mũ’ là “gây mất đoàn kết, phản độngc”. Ngược lại, khi bị phê phán về sự thiếu cam kết, không ai nghĩ người đang phê phán mình là có động cơ cá nhân.
Tôi thường đặt câu hỏi: “Liệu bạn có thể đoàn kết mãi với một người luôn vi phạm cam kết hay không?”. Một trăm phần trăm số người được hỏi đều trả lời dứt khoát là không.
Điều kỳ diệu là một khi sự cam kết được tôn trọng và duy trì, sự đoàn kết tự nó cũng phát triển và trở nên thực chất hơn!
Chia sẻ của anh Nguyễn Hữu Long | sáng lập group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt
Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét