PNO - Phí bảo trì chiếm 2% giá trị căn hộ, là tiền của cư dân để dành sửa chữa, bảo trì khi chung cư khi xuống cấp. Nhưng tại nhiều chung cư, khoản tiền này đang bị thất thoát nghiêm trọng vì bị ban quản trị rút tỉa dần.
Ban quản trị hay “đạo chích”?
Chung cư xuống cấp nghiêm trọng nhưng cư dân đành bất lực đứng nhìn vì nguồn phí bảo trì sắp rỗng chỉ sau khoảng 10 năm đưa vào sử dụng. Đó là thực tế đang xảy ra tại cao ốc (chung cư) An Lạc, Q. Bình Tân, TP.HCM). Theo các cư dân, nguyên nhân là do ban quản trị (BQT) chung cư “rút ruột” phí bảo trì.
Các cư dân chung cư An Lạc phản ánh, sau khi đưa chung cư vào sử dụng một thời gian, năm 2011, BQT chung cư được bầu ra, trong đó ông Trần Văn Hùng làm trưởng ban, ông Phạm Công Dũng làm thư ký; hai ông này đứng tên đồng sở hữu khoản tiền phí bảo trì 1,9 tỷ đồng.
Nhưng ông Hùng làm trưởng ban chỉ hai tháng thì từ nhiệm; ông Dũng thay ông Hùng làm trưởng ban. Khi ngồi được vào ghế trưởng BQT, ông Dũng đã làm nhiều việc có dấu hiệu lạm quyền: tự đứng tên toàn bộ tiền phí bảo trì và kiêm luôn thủ quỹ; trong suốt quá trình điều hành, không công khai thu chi tài chính cho cư dân biết.
“Chúng tôi nhiều lần đề nghị ông Dũng công khai các khoản thu chi tài chính nhưng ông Dũng chỉ hứa, không thực hiện” - bà Võ Thị Cẩm Tươi, chủ căn hộ B14 - 09, phản ánh.
Chung cư An Lạc nứt toát nhưng không có phí bảo trì để sửa chữa |
Không chỉ “ém” thông tin với cư dân, theo Nguyễn Ngọc Nhân - Phó BQT chung cư An Lạc, ông Dũng còn giấu luôn thông tin với các thành viên BQT. Bức xúc, khoảng tháng 8/2011, ông Nhân xin từ nhiệm.
Khoảng cuối năm 2013, khi ông Dũng phải báo cáo cuối nhiệm kỳ, các cư dân và thành viên BQT mới có cơ hội biết về những việc làm của ông Dũng. Tuy nhiên, khi đọc qua bản báo cáo, họ tá hỏa khi biết tổng số tiền phí bảo trì chung cư chỉ còn khoảng 455 triệu đồng.
Họ gửi đơn khiếu nại khắp nơi, nhưng khoảng tháng 10/2016, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM mới chính thức vào cuộc. Cuối tháng 7/2017, khi hàng loạt khoản thu chi bất minh bắt đầu lộ ra, cũng là lúc tiền quỹ bảo trì đã cạn.
Tương tự, sau tám tháng bầu năm thành viên BQT lô A chung cư Bàu Cát 2 (Q. Tân Bình, TP.HCM), các cư dân chung cư này không khỏi ân hận vì những lá phiếu của mình đặt không đúng chỗ.
Cầu thang chung cư nứt nghiêm trọng |
Theo các cư dân, thời điểm đó, ông Trì Hoa Triết được bầu làm trưởng BQT chung cư, đại diện tiếp nhận từ BQT cũ hơn 11,5 tỷ đồng, trong đó có hơn 1,3 tỷ đồng phí dịch vụ do BQT cũ tiết kiệm được.
Thế nhưng, BQT mới không tiết kiệm thêm đồng nào mà còn tiêu xài (không hóa đơn, chứng từ rõ ràng) gần hết số tiền này bằng cách liên tục thực hiện những thay đổi, ký kết các hợp đồng với số tiền rất lớn một cách thiếu minh bạch.
Cụ thể, trong khi ê-kíp bảo vệ chung cư cũ được thuê với tổng số tiền 59 triệu đồng/tháng, BQT mới lại đổi ê-kíp mới với giá 80 triệu đồng/tháng mà chất lượng không thay đổi; BQT đầu tư bãi giữ xe thông minh với giá hơn 174 triệu đồng, nhưng theo các cư dân, giá trên thị trường chỉ khoảng 65 triệu đồng; một công ty quản lý - vận hành chung cư chào thầu với giá 107 triệu đồng/năm, nhưng BQT lại ký với giá 152 triệu đồng/năm…
Còn tại lô M chung cư Bàu Cát 2, Q. Tân Bình, khi phát hiện trưởng BQT cũ có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, vận hành, một cư dân trong chung cư vận động những cư dân khác gây áp lực buộc ông này từ chức.
Thế nhưng, khi ngồi vào ghế BQT, trưởng BQT mới lại lặp lại hàng loạt sai phạm của người cũ, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Cư dân lại tố cáo. Sở Xây dựng vào cuộc thanh tra, kết luận: từ năm 2009 đến nay, tất cả các nhiệm kỳ BQT đều có sai phạm. Đặc biệt, BQT nhiệm kỳ 3 đã tự thỏa thuận mức phụ cấp cho các thành viên BQT mà không thông qua hội nghị toàn chung cư; BQT còn chi đến 1,7 tỷ đồng không hợp lệ, không thông qua ý kiến cư dân và không xuất trình được hóa đơn cho rất nhiều hạng mục…
Cư dân đang… sợ ban quản trị
Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2011 đến 2016, BQT chung cư An Lạc mà đứng đầu là ông Phạm Công Dũng đã tiếp nhận tổng cộng 1,9 tỷ đồng từ chủ đầu tư. BQT khai báo, từ khi tiếp nhận tiền đến tháng 10/2016 đã chi tổng cộng 1,6 tỷ đồng nhưng số tiền còn lại tại thời điểm kiểm tra chỉ có 51,4 triệu đồng, thất thoát 284,3 triệu đồng. Trong đó, chỉ trong khoảng từ tháng 4/2011 đến tháng 12/2013, BQT đã chi bảo trì hơn 1 tỷ đồng. Khi đoàn thanh tra đề nghị cung cấp các giấy tờ pháp lý liên quan việc chi số tiền này, BQT không có bất kỳ chứng từ, hóa đơn nào kèm theo. BQT cũng không giải thích được số tiền 284,3 triệu đồng “bốc hơi” đi đâu.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Dũng phản bác: “Tất cả các phản ánh trên là không đúng”. Ông Dũng cho rằng, một số người muốn lật đổ ông vì ông không cho họ “ăn uống” tiền phí bảo trì.
Theo ông Dũng, tất cả tiền chi ra, ông đều có hóa đơn, chứng từ; trong quá trình thanh tra, ông có cung cấp cho đoàn thanh tra, nhưng không hiểu sao đoàn thanh tra vẫn kết luận ông không cung cấp.
“Tôi không biết các thành viên BQT có móc nối với đoàn thanh tra không” - ông Dũng nghi ngờ. Hiện, ông đã gửi đơn khiếu nại vụ việc đến Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM.
Chưa thể khẳng định đúng sai trong vụ này, nhưng thực tế, chung cư An Lạc đang xuống cấp nghiêm trọng: nền nhà, sân thượng bong tróc gạch, sụt lún; cầu thang nứt toác; tường thấm dột... mà không có tiền sửa chữa.
Những lùm xùm của BQT đang khiến cư dân tại các chung cư ngày càng... sợ BQT. Tại chung cư Hoàng Anh Gold House (H. Nhà Bè), sau nhiều lùm xùm xảy ra ở BQT, cư dân phải lập thêm ban kiểm soát để giám sát BQT, sau khi đã yêu cầu BQT thuê thêm một ban quản lý mà vẫn xảy ra lắm điều khuất tất.
Tại lô A1 chung cư Lê Thành (Q. Bình Tân), sau nhiều lần trầy trật bầu ra, BQT vẫn không thể đi vào hoạt động vì cư dân quá mất lòng tin; suốt nhiều tháng liền, các cuộc họp của BQT chỉ lèo tèo vài người, nên các thành viên BQT đã xin từ nhiệm, giải tán luôn BQT.
Còn tại một dự án chung cư trên địa bàn Q.9 vừa đưa vào hoạt động khoảng sáu tháng, một số cư dân muốn thành lập BQT nhưng số khác lại gửi đơn cho chủ đầu tư đề nghị không thành lập BQT, vì lo sợ BQT làm việc bất minh.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trương - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương, quy định pháp luật hiện nay còn rất nhiều kẽ hở; thậm chí, người không phải cư dân cũng có thể vào BQT. Điều này rất nguy hiểm, bởi ngoài việc quản trị chung cư, họ còn “ôm” hàng tỷ đồng phí bảo trì của cư dân. Nếu những người trong BQT “ăn rơ” với nhau nâng khống giá bảo trì, bảo dưỡng, cũng không ai biết. Trường hợp những người này ôm tiền “biến mất” hoặc chi tiêu không đúng mục đích thì hàng trăm người trong chung cư phải chịu hậu quả.
Nên bỏ phí bảo trìTôi đề nghị bỏ luôn khoản phí bảo trì. Bởi chủ đầu tư giữ tiền thì xảy ra chiếm dụng, sử dụng không minh bạch; BQT giữ tiền thì xảy ra lộng quyền, tham ô. Nhà nước có thể xem xét không thu phí bảo trì ngay từ đầu, vì hai năm đầu, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo hành chung cư. Trong thời gian này, cư dân vẫn đóng phí vận hành và nếu sử dụng tiết kiệm, vẫn có dư để dành bảo trì; nếu thiếu thì vận động cư dân đóng thêm. Việc này vừa tránh thất thoát, vừa tránh lãng phí do việc “chôn” một khoản tiền lớn mà không đưa vào sản xuất kinh doanh.
Phan Trí - Tiêu Hà
Link gốc https://www.phunuonline.com.vn/ban-quan-tri-chung-cu-dua-nhau-rut-ruot-phi-bao-tri-a73053.html
Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét